Tổng quan về Cộng hoà Pháp

1. THÔNG TIN CHUNG

 Quốc danh: Cộng hòa Pháp

Quốc khánh: 14/7/1789

Chính phủ: Cộng hòa

Thủ đô: Paris

Diện tích: 674.843 km² (hạng 42)

Múi giờ: UTC+1; mùa hè: UTC+2

Vị trí địa lý: Nằm tại Tây Âu, có một số đảo và lãnh thổ nằm rải rác trên nhiều lục địa khác. Pháp có biên giới với Bỉ, Luxembourg, Đức, Thuỵ Sĩ, Ý, Monaco, Andorra và Tây Ban Nha. Tại một số lãnh thổ hải ngoại của mình, Pháp có chung biên giới trên bộ với Brasil, Suriname và Sint Maarten (Hà Lan). Pháp còn được nối với Anh Quốc qua Đường hầm Eo biển Manche, chạy dưới eo biển Manche.

Dân số: Ước lượng (2012) là 65.630.692 người (hạng 21)

Dân tộc: Người Pháp (87%), người Arập (3%), người Đức (2%), các dân tộc khác (8%).

Đơn vị tiền tệ: Euro

 2. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Pháp nằm ở Tây Âu. Trung tâm của nước Pháp là một cao nguyên đá cổ, cao 2.000m, được 4 vùng đất thấp với diện tích chiếm đến 60% tổng diện tích nước Pháp, bao quanh. Vùng Paris, lớn nhất trong số 4 vùng này, tuy bị các sông núi thấp, các đồng bằng và các cao nguyên màu mỡ chia cắt, nhưng vẫn được nối liền với nhau do hệ thống sông Seine và các nhánh của sông Seine. Phía Đông vùng trung tâm là thung lũng hẹp Rhône-Saône.

Phía Tây là thung lũng Loire chạy về phía Đại Tây Dương. Phía Tây – Nam là vùng châu thổ màu mỡ Aquitaine được sông Garonne và các sông nhánh tưới tiêu. Nước Pháp được một vành đai các dãy núi đứt gãy bao bọc. Phía Tây – Bắc là khối núi Armoricain, cao 411m. Ở phía Tây – Nam, khối núi Pyrénées tạo thành biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha. Dãy Alpes, ở phía Đông Nam, có đỉnh núi cao nhất châu Âu là Mont Blanc, cao 4.807m, ngăn đôi Pháp và Italia.

 Dãy núi thấp Jura phía Đông là một rào chắn tự nhiên giữa Pháp và Thuỵ Sĩ; dãy núi Vosges phía Đông ngăn cách châu thổ Paris với thung lũng sông Rhin. Ở phía Đông Bắc dãy núi Ardenne kéo dài sang tận nước Bỉ. Đảo Corse (rộng 8.700km2) nằm ở biển Địa Trung Hải là một khối núi cổ, có đỉnh cao tới 2.710m.

Các sông chính: Sông Rhin, 1.320km; sông Loire, 1.020km; sông Rhone, 812km; sông Seine, 780km; sông Garonne, 650km.

3. KHÍ HẬU

Khí hậu nước Pháp nhìn chung là ôn hòa, chịu ảnh hưởng kết hợp của khí hậu Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và khí hậu lục địa. Vùng miền Tây nước pháp có gió từ Đại Tây Dương thổi vào đem mưa đến, mùa đông lạnh với  nhiệt độ trung bình 7°C, còn mùa hè thì ôn hòa mát mẻ, nhiệt độ trung bình 16°C.

Ở sâu trong đất liền khí hậu chia mùa rõ rệt hơn, mùa hè nóng hơn, còn mùa đông thì lạnh hơn, những thời kỳ khô hạn và ẩm ướt cũng phân biệt rõ ràng hơn. Ở vùng thung lũng Paris, nhiệt độ trong năm giao động từ 0°C đến 24°C.

Vùng miền Đông nước Pháp và các vùng miền núi phải trải qua những mùa đông khắc nghiệt và những mùa hè nhiều mưa bão hơn. Dãy núi Vosges ảnh hưởng đến khí hậu của vùng Alsace nên mùa đông thì lạnh như cắt da còn mùa hè lại nóng nực. Những đỉnh núi cao nhất thường phủ tuyết quanh năm và trên dãy núi Alpes xuất hiện những dòng sông băng. Các dãy núi cũng thường có mưa nhiều, lượng mưa lên tới 1.400 milimét mỗi năm. Nhưng ven bờ biển Địa Trung Hải lượng mưa trung bình chỉ khoảng 640 milimét mỗi năm

Vùng ven biển Địa Trung Hải có khí hậu khô và ấm áp nhờ được dãy núi Alpes bảo vệ cho khỏi cái giá rét mùa đông. Mùa hè ở đây nóng và khô, nhiệt độ lên tới 32°C. Ngoài ra, những cơn gió phương Bắc lạnh lẽo, gọi là gió Mistral, thỉnh thoảng lại thổi về miền Nam nước Pháp với vận tốc lên tới hơn 100 km/giờ đủ để gây nên những thiệt hại trầm trọng cho mùa màng.

4. KINH TẾ

 Pháp là thành viên G8; đồng thời, là một nước có nền kinh tế phát triến tương đối toàn diện và đồng đều cả công nghiệp lẫn nông nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, Pháp có khoảng gần 2,5 triệu doanh nghiệp tư nhân (đã đăng ký). Tuy đây là một nền kinh tế thị trường tự do phát triển nhưng nhà nước vẫn giữ ảnh hưởng lớn trên những lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhà nước sở hữu đa số vốn trong các ngành đường sắt (SNCF), điện (EDF), hàng không (Air France) và các công ty viễn thông (France Telecom).

Từ đầu thập kỷ 90, nhà nước Pháp đã dần dần nới lỏng kiểm soát bằng việc nâng dần tỷ lệ vốn sở hữu tư nhân trong các doanh nghiệp quan trọng cũng như trong các ngành bảo hiểm, ngân hàng và công nghiệp quốc phòng.

Trong báo cáo « OECD in Figures » xuất bản năm 2005, OECD ghi chú rằng Pháp dẫn đầu các nước G7 về năng xuất lao động (tính theo GDP trên giờ làm việc). Năm 2004, GDP trên giờ lao động tại Pháp là 47,7USD, xếp hạng trên Hoa Kỳ (46,3USD), Đức (42,1USD), Anh (39,6USD), Nhật Bản (32,5USD).

Chính phủ Pháp đã và đang có những nỗ lực to lớn nhằm hợp tác ngày càng sâu với Đức, cả về mặt kinh tế và chính trị. Hai nước này thường được coi là những quốc gia "trung tâm" trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu hơn nữa trong Liên minh Châu Âu.

Pháp đang đứng đầu thế giới về các lò phản ứng hạt nhân tái sinh và phóng vệ tinh thương mại, thứ nhì về công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi, thứ ba về công nghiệp vũ trụ. Tài năng thiết kế của người Pháp còn được thể hiện trong việc chế tạo tầu hoả cao tốc, thiết bị điện phức tạp, tên lửa, vệ tinh viễn thông, máy bay (siêu thanh Concorde, Airbus, Caravelle, Mystère, Mirage). Các hãng Renault và PSA Peugeot Citroën là những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới và đang chiếm 24% thị phần Châu Âu.

Các sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng thế giới của Pháp thường được nhắc đến như nước hoa Chanel, rượu vang Bordeaux, săm lốp Michelin, đồ sứ Limoges, đồ làm bếp Moulinex...

Pháp đứng thứ 5 thế giới (sau CHLB Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) về xuất khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2007 đạt 400,939 tỷ euros, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp là máy móc, thiết bị và các phương tiện vận tải (như ôtô, tầu hoả, máy bay), sắt thép, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, nông sản, thực phẩm, rượu vang, rượu mạnh, hàng dệt may, đồ mỹ phẩm,...

Pháp đứng thứ 4 thế giới (sau Hoa Kỳ, CHLB Đức và Trung Quốc) về nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2007 đạt 440,108 tỷ euros, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Pháp gồm sản phẩm dầu mỏ, máy móc, thiết bị, nông sản thực phẩm, hoá chất, sắt thép, hàng tiêu dùng…

 Pháp đứng thứ tư thế giới về dịch vụ : ngành dịch vụ của Pháp phát triển rất mạnh, đóng góp khoảng 65,9% tổng sản phẩm quốc nội.

Pháp đứng thứ ba thế giới về nông nghiệp : nông nghiệp (kể cả đánh cá và nghề rừng) tuy chiếm 6% lao động và khoảng 3,1% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng vẫn đảm bảo hầu hết nhu cầu tiêu dùng về lương thực và thực phẩm hàng ngày của người dân Pháp ; đồng thời, dành một số lượng đáng kể cho xuất khẩu (năm 2007, Pháp xuất siêu khoảng trên 7,9 tỷ euros hàng nông sản, thực phẩm, gồm : lúa mì, rượu nho, các sản phẩm thịt, sữa...

5. VĂN HÓA

 Đất nước Pháp được mệnh danh là cái nôi văn hóa Châu Âu với các công trình văn hóa đồ sộ nổi tiếng trên toàn thế giới. Người dân Pháp luôn quan tâm đến việc phát triển và xây dựng nền văn hóa mỗi ngày thêm đa dạng màu sắc. Thành phố Paris được xem là địa điểm trọng yếu phát triển văn hóa của nước Pháp. Nổi bật nhất và mang đậm dấu ấn của nước Pháp đó chính là Tháp Eiffel.

Trung tâm văn học – nghệ thuật của châu Âu

Thừa hưởng nhiều tinh hoa từ nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại, nền văn học – nghệ thuật Pháp thật sự phát triển và mang dấu ấn riêng từ khoảng thế kỉ XIX và phát triển rực rỡ nhất vào đầu thế kỉ XIX. Những tác phẩm văn học Pháp phản ánh tâm tư, hiện thực xã hội Pháp trong từng giai đoạn, từ đó vẽ nên bức tranh toàn cảnh của xã hội châu Âu, như: Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Ba chàng lính ngự lâm, Đỏ và đen, tấn trò đời. Ngoài ra, nghệ thuật Pháp còn phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, âm nhạc; chỉ trong thời kì Khai sáng, ở Pháp đã có hơn 200 tên tuổi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, tiêu biểu như Victor Hugo, Balzac, Claude Debussy, Bartholdi,…

Kiến trúc Pháp

Từ nửa sau thế kỉ XII, một kiểu kiến trúc mới gọi là kiến trúc Gothic xuất hiện ở miền Bắc nước Pháp và sau đó được áp dụng rộng rãi ở các nước Tây Âu. Đặc điểm của lối kiến trúc này là vòm cửa nhọn, mái nhọn, cửa sổ lớn và nhiều màu để có nhiều ánh sáng bên trong, bên ngoài có tháp cao vút, trước cửa lại được trang trí bằng nhiều bức phù điêu sinh động. Hàng trăm lâu đài, thành trì, những dãy nhà cổ tại Pháp đều mang dáng vẻ đặc biệt và tồn tại song song cùng những công trình đồ sộ, tiêu biểu cho cả nền kiến trúc hiện đại của nhân loại như tháp Eiffel, đại lộ Champs Elyseés, Cung Lễ hội và Đại hội – nơi diễn ra các sự kiện văn hóa thế giới.

 

Pháp – đất nước hào hoa

Nổi tiếng với nhiều nhãn hiệu thời trang, mỹ phẩm, nước hoa và đồ trang sức, người dân Pháp xem ra rất chú trọng diện mạo bên ngoài của mình. Có vẻ hơi “phong kiến” một chút nhưng người Pháp vẫn thích mặc quần vải hoặc jean với áo màu nhã hơn là các kiểu áo model “rách”, hở hang. Thêm vào đó, du khách có thể cảm thấy hơi khách sáo nhưng lịch sự, nhã nhặn, lễ độ trong giao tiếp là đặc điểm của đa số người dân nơi đây. Từ cảnh sắc thiên nhiên, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ cho đến con người nơi đây đều toát ra một vẻ thật lãng mạn, quý phái, làm bất kì ai từng đặt chân đến đất nước này cũng cảm thấy say mê.

 Giao tiếp tại Pháp

Ban đầu có thể du khách sẽ cảm thấy ngưới Pháp hơi lạnh lùng và khách sáo, nhưng thật ra nếu bạn cởi mở với họ, họ cũng sẽ lập tức vui vẻ đáp chuyện cùng bạn. Họ thích tìm hiểu về các dân tộc khác mình và ngược lại, nếu bạn gặp khó khăn gì hay muốn tìm hiểu thêm về nước Pháp, cứ mạnh dạn hỏi thăm những người xung quanh, họ sẽ không ngần ngại giải đáp.

Người Pháp cũng rất chú trọng lễ nghi và phép lịch sự, một nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, câu chào “bonjour Madame/Monsieur” ở cửa miệng sẽ không bao giờ thừa nếu bạn muốn có được cảm tình đầu tiên của người dân nơi đây. Đồng thời du khách cũng nên nhớ không làm ồn ở nơi công cộng, đối với người Pháp như thế là bất lịch sự. Và tại Pháp cũng có luật cấm hút thuốc nơi công cộng, nếu vi phạm và bị bắt gặp sẽ bị phạt đến 68 Euro.

6. ẨM THỰC

 Ăn uống

Ở Pháp, các gia đình bắt đầu một ngày mới bằng bữa điểm tâm nhẹ, thường gồm bánh mì với bơ và jambon. Đồ uống thường là cà phê đen, cà phê sữa nóng, còn lũ trẻ thì thích nhất là sôcôla nóng. Còn thứ bánh xốp cuộn tròn gọi là croissant chỉ có trong những dịp đặc biệt

 Rượu là loại gia vị hầu như không thể thiếu trong các món ăn Pháp, có thể dùng để sơ chế hoặc làm cho hương vị thêm đậm đà, đặc biệt đối với các món hải sản. Như các nước Châu Âu khác, trong các bữa tiệc của người Pháp thường có sự hiện diện của rượu vang. Nhưng nét đặc biệt của ẩm thực Pháp là mỗi món ăn có một loại rượu vang riêng phù hợp chứ không dùng một loại rượu suốt bữa ăn.

Bánh Macaron

 

 
 



Macaron là một món bánh ngọt tráng miệng của Pháp, xuất hiện từ cuối thế kỉ 18, do hai nữ tu người Ý sang định cư mang theo công thức làm bánh. Đến đầu thế kỷ 20, một chủ tiệm bánh tại Paris đã nảy sinh ý tưởng thêm kem vào giữa hai lớp bánh, tạo nên một món bánh Macaron hiện đại và độc đáo. Bánh Macaron có nguyên liệu chính là bột hạnh nhân, đường và lòng trắng trứng. Lớp bánh phía ngoài giòn tan, ở giữa là lớp nhân dẻo mềm thơm ngọt với nhiều hương vị thơm ngon như dâu, cam, quế, chanh, chocolate,  hạnh nhân

Gan ngỗng

 

 
 


Mỗi đất nước, thành phố đều có những điểm ẩm thực đáng tự hào của chính mình. Riêng đất nước Pháp, vốn được mệnh danh là cái nôi ẩm thực Châu Âu, tự tin giới thiệu cùng thế giới món gan ngỗng béo có một không hai của mình. Đây là món ăn có mặt ở hầu hết các nhà hàng đạt chuẩn quốc tế, và hơn thế nữa, không phải nhà hàng nào cũng có khả năng chế biến, và không phải ai cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn đặc biệt này. Gan ngỗng chiên là món đáng chú ý nhất, chiên xong thấm cho bớt dầu, dùng với các món ngọt đi kèm như sốt dâu rừng, si rô, bánh mì birche, … Người Pháp vốn có thói quen dùng rượu vang trong các bữa ăn, và mỗi món ăn có loại rượu riêng, thì với gan ngỗng, không thể thiếu rượu Sauterne, rượu này ngọt đậm, thơm mùi mật ong.

Bánh Crêpe

 

 
 



Nếu có cơ hội du lịch đến Pháp, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn vừa sang trọng vừa mang chút gì đó dân dã này. Bước chân vào một tiệm chuyên bán bánh Crêpe, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước rất nhiều chủng loại bánh này, từ mặn tới ngọt, các loại nhân đa dạng và trang trí cực kỳ đẹp mắt. Món bánh Crêpe này xuất xứ từ vùng Bretagne nước Pháp, được làm từ bột mì hay bột lúa mạch trộn với sữa, trứng, bơ sau đó tráng mỏng hình tròn rồi chiên vàng hai mặt. Nhân bánh Crêpe mặn có thể là jambon, thịt gà, phomai, … Còn bánh Crêpe ngọt thì thường dùng với nhân sôcôla, kem tươi, hạnh nhân…

 Rượu nho Pháp

Rượu nho bắt nguồn từ miền nam nước Pháp từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Thời kì đó, những vườn nho lớn thường thuộc về các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Trong các bữa ăn, đặc biệt là các bữa tiệc lớn của người dân Pháp, rượu nho là thành phần không thể thiếu. Được mệnh danh là xứ sở của rượu nho, nước Pháp nổi tiếng thế giới với đa dạng các loại rượu nho. Tùy vào nguồn gốc xuất xứ của nho và cách lên men, mỗi loại rượu có độ cồn, độ ngọt khác nhau. Cách thưởng thức rượu nho của người Pháp cũng rất đặc biệt, có thể dùng để chế biến thức ăn, hoặc dùng trên bàn tiệc. Với mỗi loại thức ăn có loại rượu phù hợp riêng.

·       



Phô mai Pháp


Phô mai xuất hiện trên thế giới từ rất lâu đời, và nước Pháp là một trong những nơi đầu tiên chế biến và sử dụng loại thực phẩm này. Sữa bò tươi được lên men, sau đó qua khâu xử lý chế biến với nhiều phương pháp khác nhau tùy vùng miền. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới sàn xuất phô mai, nhưng được ưa chuộng nhất có lẽ vẫn là phô mai Pháp. Chỉ riêng đất nước này cũng đã có rất nhiều loại phô mai với hương vị và chất lượng khác nhau. Người Pháp dùng phô mai trong các bữa tiệc, hoặc đơn giản chỉ là món ăn kèm với bánh mì. Nguồn thực phẩm bổ dưỡng này rất được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Âu.

Về nước Pháp


Paris có gì đẹp không em?

Paris có gì đẹp không em?

Tôi yêu một Paris cổ kính với Nhà Thờ Đức Bà, rực rỡ với ánh đèn của tháp Eiffel, lãng mạn với dòng sông Seine và hàng trăm cây cầu lớn nhỏ. Một Paris thơm mùi café và ngọt ngào vị maccaron. (Đỗ Thị T

  • Về Chúng Tôi





    Công Ty CP Đầu tư Giáo dục và Đào tạo Quốc tế VIETCOM

    Địa chỉ: Số 1, Lô A17 Khu đô thị Lê Trọng Tấn Geleximco, Hà Nội.
    Điện thoại: (024) 377 16812
    Fax: (024) 37714410
    Email: vietcomedu@gmail.com

                duhocvietcom@gmail.com
    Website: www.vietcom.edu.vn

  • Đối Tác

  • Sơ Đồ Đường Đi